Người ta nói văn là người. Đọc sách sẽ hiểu người. Vậy nên tôi không cần hỏi Linh Phan cũng có thể biết qua trang sách, cô ấy là con gái Kinh Bắc thanh lịch, trải qua một tình yêu ở Sài Gòn, đã đi rất nhiều nơi trên thế giới, đã lập gia đình, hiện đang sống đầm ấm cùng chồng và hai cậu con trai kháu khỉnh tại một nước Bắc Âu, phía trên vòng Bắc Cực, cách Việt Nam hàng ngàn dặm bay.
Tôi sẽ không hỏi cô ấy nhiều thứ nhưng nhất định muốn tìm gặp cô ở Na Uy, cùng cô uống cà phê dưới tán cây mùa hè giữa lưng chừng núi, cùng cô thưởng thức 60 đêm bắc cực không ánh mặt trời và 60 ngày không tắt nắng, cùng cô chạy bộ quanh vịnh những buổi tối mặt trời vẫn ngang đầu, cùng cô vừa tập yoga những sáng mùa đông vừa ngắm tuyết rơi trắng xóa bên ngoài cửa sổ, cùng cô hái dâu vào mùa thu, tìm kiếm cực quang vào mùa đông, trượt tuyết trong mùa xuân, cùng cô ngắm những bông hoa bồ công anh nhẹ nhàng bay theo làn gió bắt đầu cuộc hồi sinh. Và tôi sẽ hỏi cô một câu thôi, có phải vì tất cả những điều đẹp đẽ bình yên đó mà cô đã chọn xứ sở này là ngôi nhà thứ hai của mình?
Ngay những trang đầu của cuốn sách Uống Cà Phê Nói Chuyện Mặt Trời, Linh Phan đã cho tôi một gợi ý thế này “Nếu bạn muốn, hãy bắt một chuyến bay bay đến nơi này, cùng tôi uống cà phê dưới tán cây mùa hè giữa lưng chừng núi. Trời có thể vẫn còn se lạnh, nhưng những câu chuyện thì chắc chắn ấm áp. Chuyện mặt trời. Chuyện sự sống. Và chuyện về sự khởi nguyên của những cuộc hành trình”. Vâng, tôi muốn. Nhưng… Cái chữ “nhưng” này đã ngáng chân tôi rất nhiều lần trong đời, kể cả lần này. Bởi lẽ, tôi chưa từng như Linh Phan, can đảm giữa sợ hãi, để bước đi, để dấn thân.
Đúng vậy, bàng bạc trong cuốn sách là những nỗi sợ hãi của Linh Phan và những người thích đi. “Sợ những điều quá mới sẽ đến. Sợ sự khác biệt. Sợ chẳng bao giờ phù hợp… Sợ cảm giác chia ly ở bến tàu, sân bay. Sợ cả từ khi vừa mới trở về hay vừa gặp gỡ." Có lẽ, con người ta không phải hơn nhau ở tuổi tác mà là hơn nhau ở những chuyến đi mạnh mẽ, quyết đoán và vượt qua nỗi sợ giống như Linh.
Khi Linh Phan nói về những cuộc di chuyển. “Nó khiến tôi cảm nhận rõ ràng, chắc nịch rằng mình vẫn còn đang sống”, tôi chợt nhớ Nguyễn Tuân với chủ nghĩa xê dịch ngày nào, sao lại giống nhau nhiều đến thế. Lại muốn hỏi Linh thêm một câu, phải chăng nhà văn không ham đi, chẳng qua là vì ham viết nên mới đi, để những chất liệu ngồn ngộn của cuộc sống này, thế giới này làm đầy thêm trang viết của mình?
Tôi thích cuốn sách ấy đầu tiên là vì cái tựa. Từ cái tựa ở bìa sách đầy lôi cuốn đến những cái tựa của mỗi chương như triết lý sống được gửi gắm, được cô đọng một cách sắc sảo mà nhẹ nhàng, cứ từ từ len lỏi vào tâm hồn người đọc như ngụm cà phê ngấm sâu ngay khi bắt đầu một giọt chạm môi.
Sao phải đợi để ngắm nhìn thế giới? Chuyến đi nào cũng khác. Tha thứ cho chính mình. Được làm chính mình. Đời quá ngắn để sống đi sống lại. Ai cũng cần học cách từ bỏ. Có ít đi để được nhiều hơn...
Bạn thấy không, những cái tựa ấy, bản thân nó dù ngắn gọn, dù đứng một mình không cần một dấu chấm câu kết thúc vẫn rất trọn vẹn và mang đầy ý nghĩa nhân sinh. Vậy nên, để đọc sách này, tôi mời bạn chuẩn bị sẵn một ly cà phê bên cạnh, sẵn sàng ngồi đấy hàng giờ liền cho đến khi đọc hết những chữ cuối cùng, vì bạn không thể dứt ra.
Và tôi nghĩ tôi không cần bình luận gì thêm về cuốn sách này, tôi để bạn tự cảm nhận qua những trích đoạn hay nhất từ sách. Tự mình chiêm nghiệm, tự mình tìm thấy mình trong những câu chữ của chính tác giả, đó mới là điều một người đọc nên được thưởng thức, phải không bạn?
“Bạn có biết điều gì làm cuộc sống của chúng ta thú vị không? Đó là không ai trong chúng ta biết được chuyện gì sẽ xảy ra vào ngày mai.”
“Không bao giờ là quá muộn để thực hiện giấc mơ đời mình.”
“Quyết định thay đổi cuộc đời mình là một bước ngoặc lớn, đáng sợ nhưng cũng đáng thử. Vì sao bạn biết không? Vì có một thứ còn đáng sợ hơn, đó là Hối Hận.”
“Những gì đã qua giống như trang giấy đã viết rồi không thể sửa chữa. Chỉ có thể viết lại bằng một trang khác, không cần biết còn sớm hay đã muộn, nếu như còn muốn, người ta còn có thể viết lại từ đầu.”
“Dường như loài hoa dại nào cũng đều có cách sống vô cùng mãnh liệt. Sống nhanh, gấp gáp nhưng sống trọn từng phút giây. Ước gì chúng ta, những con người yếu đuối và lười biếng, cũng có thể sống với nguồn năng lượng mãnh liệt và dại khờ như vậy.”
"Thời gian thật kỳ lạ, nhanh mà chậm, chậm mà nhanh. Tôi đã từng vội vã bước đi, cũng từng kiên nhẫn chờ đợi… Thời gian vừa vặn với tất cả mọi người nhưng không phải ai cũng biết chính xác lúc nào nên chạy và lúc nào chỉ cần bước đi thong thả.”
“Lựa chọn và từ bỏ song hành cùng nhau, tới đâu thì tôi không rõ, nhưng có vẻ nó cần phải như vậy. Cũng giống như bắt đầu và kết thúc, gặp gỡ và chia ly, buông tay và tha thứ. Ra đi, ở lại, chuyển dời, tráo đổi hay chối từ. Dù có thế nào, con người cũng đều có thể vượt qua, nhưng căn bản là biết tự vượt qua chính mình.”
“Hạnh phúc thực ra cũng chỉ đơn giản là khi được đi cùng trời cuối đất với những tình yêu của đời mình. Hạnh phúc là khi ta chấp nhận vùng trời của mình và những giới hạn của nó. Hay là khi ta biết thứ tha cho những lầm lỗi và lựa chọn của bản thân… Hạnh phúc cũng là chồng con, gia đình, là được chứng kiến những điều tốt lành, những câu chuyện ý nghĩa của cuộc sống, là âm nhạc nghệ thuật, là sự tự do lựa chọn, là tiếng cười, là được gặp gỡ những người xuất sắc, là đọc nhiều hơn, viết những gì mình thích, là sự kết nối thực sự, là gần gũi với thiên nhiên, học những điều mới và đi du lịch.”
“Con người đi và chạm vào nhau trong số mệnh, như hai đường thẳng cắt nhau tạo ra giao điểm, như những lời thề nguyền tạo nên nợ duyên.”
Những câu trên tôi sẽ không nói gì thêm, hoặc không dám nói gì thêm, vì bản thân nó đã có quá nhiều ý nghĩa sâu xa cho bạn chiêm nghiệm. Chỉ có trích đoạn cuối cùng này, tôi đọc xong có điều tiếc nuối, nên muốn nói thêm rằng, ước gì, ngày ấy, tôi đã va phải Linh Phan, giữa Cầu Kiệu của Sài Gòn. Bởi lẽ, tôi đã ở ngay đó, vào những năm tháng Linh Phan đi qua cây cầu này. Biết đâu, nếu có cú va chạm nợ duyên ấy, Linh Phan đã có thể cho tôi thêm vài phần can đảm để bắt đầu mọi thứ sớm hơn?
Tôi cũng muốn nói thêm rằng, có thể, với tác giả, Uống Cà Phê Nói Chuyện Mặt Trời đã là những câu chuyện cũ của một người phụ nữ vừa chớm tuổi tam thập nhi lập. Trong thế giới quan của cô gái ngày nào, giờ đây hẳn đã ít nhiều đổi thay. Nhưng tôi tin là, với bạn đọc, những người viết, những người con xa xứ, những bạn trẻ còn đang mải miết đi cho đầy những ngày nhiệt huyết, thì cuốn sách này vẫn vẹn nguyên giá trị, vẫn là lời thì thầm cùng họ qua ngày dài cô đơn, sợ hãi và hạnh phúc.
Comments