top of page
Ảnh của tác giảÁnh Ấm Áp

Giá trị của cái ôm



Giữa những ngày giãn cách này mà viết về đề tài ÔM thì có vẻ như đi ngược thời cuộc nhỉ? Nhưng thật sự mấy ngày nay tôi suy nghĩ nhiều về việc… ôm. Đó là khi video call cho bà ngoại À Ha nhìn thấy cháu, bà hay nói đùa: “Trời ơi, nhìn thấy mà không được ôm, giống như mỡ treo miệng mèo, ngồi nhìn mâm cơm với con cá gỗ!”.

Đó là khi đọc tin nhắn của một người chị rằng ngày đi tiêm vaccine mũi 2 mới đây, dù được đến Công ty, được nhìn thấy mọi người nhưng không thể chạm vào, không thể ôm một cái cho thỏa những ngày xa cách, thật là một sự ức chế. Đối với tôi, chị ấy là một người đặc biệt, không chỉ vì chị giỏi giang mà còn vì cách bày tỏ tình cảm của chị rất nồng nhiệt. Mỗi lần gặp bạn bè, đồng nghiệp thường bày tỏ tình cảm bằng cách hồ hởi tới ôm đối phương thật chặt, bất kể là trai hay gái, già hay trẻ. Có lần tôi đùa nói chị đổi nickname thành “T. Thích Ôm” sẽ rất phù hợp với chị. Chị cười xòa và gửi tôi một đoạn viết về “Bí mật của cái ôm”, nó như thế này:

“Bạn có biết? Những cái ôm có tác dụng như thuốc giảm đau hay một liều thuốc an thần đối với một đứa trẻ đang đau đớn hoặc tức giận. Chúng sẽ được xoa dịu ngay lập tức nếu được bố mẹ ôm vào lòng, thật chặt. Trẻ cảm thấy mình được bảo vệ và được vỗ về trong vòng tay của bố mẹ. Đặc biệt, khi ôm trẻ vào lòng, trẻ có thể cảm nhận và lắng nghe nhịp đập trái tim của bố mẹ, điều đó giúp trẻ dễ dàng vượt qua cơn khủng hoảng hay những cảm xúc tiêu cực của mình hơn. Có nghĩa là, bạn phải dành cả tâm trí, tình cảm cho hành động ôm một người.”

Tôi cảm thấy thích thú nên tò mò tìm hiểu thêm. Thì ra, những chiếc ôm không chỉ có giá trị với trẻ nhỏ mà với người lớn cũng rất quan trọng. Chẳng qua, vì phong tập tập quán của người Á Đông chúng ta ít thể hiện tình cảm ra bên ngoài nên không tận dụng hết lợi ích của nó.


Nguồn: PNGtree

Trước tiên, xét về mặt y học.

Trong cuộc sống hiện đại, chúng ta phải đối mặt với rất nhiều áp lực, ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng ôm ấp có thể được ví như thuốc tăng lực, như vitamin hàng ngày và nó còn tốt hơn cả tập thể dục thường xuyên bởi cái ôm giúp bạn thư giãn, làm giảm nồng độ cortisol – một loại hormon làm suy yếu các chức năng của hệ miễn dịch. Nghĩa là chỉ một cái ôm cũng có thể giúp hệ miễn dịch của chúng ta hoạt động hiệu quả, giữ cho cơ thể ấm áp và giúp ngăn ngừa cảm lạnh.

Một chiếc ôm đúng lúc còn có tác dụng làm giảm stress và tăng oxytocin - một loại hormone do cơ thể chúng ta tự sản xuất khi cảm thấy được yêu thương. Vậy nên, nếu bạn trao cho người khác một cái ôm, cả bạn và người kia đều cảm thấy hạnh phúc hơnnhờ loại hormone này. Oxytocin giúp giảm lo âu và thúc đẩy các phản ứng thư giãn. Chính vì vậy, khi bạn căng thẳng, cảm giác được ôm ấp sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái, dễ chịu hơn. Oxytocin được ví như “vị thuốc tình yêu” nhưng nó chỉ được sinh ra khi chiếc ôm thật chặt kéo dài đến 20 giây và chỉ có tác dụng tốt khi hai bên tin tưởng lẫn nhau.

Và cuối cùng, khi bạn được ôm trong yêu thương và tin tưởng, trái tim bạn sẽ trở nên khỏe mạnh theo đúng nghĩa đen. Từ đó, nguy cơ cao huyết áp sẽ được giảm đáng kể.


Dưới góc nhìn tâm lý học, những cái ôm không chỉ giúp cho trẻ nhỏ phát triển lành mạnh cả về thể chất và tinh thần, nó cũng giúp cho người lốn được chữa lành và cảm thông.

Người ta nói rằng thời điểm tốt nhất để ôm, đặc biệt đối với người thân của mình, là buổi sáng hoặc buổi tối, trước khi đi làm hoặc đi ngủ. Đây là thời điểm quan trọng giúp người thân có thêm sinh lực cho một ngày làm việc bận rộn hay đi vào giấc ngủ bình yên.

Mình từng nghe một nữ doanh nhân “bật mí” cách vợ chồng chị giữ được hạnh phúc bền lâu đó là dù phải trải quả một ngày mệt mỏi hay buổi chiều còn giận nhau thì đến buổi tối họ vẫn ôm nhau một cái rồi mới đi ngủ.

Cái ôm quan trọng như vậy thì những người chỉ sống một mình phải làm sao để được ôm? Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, chỉ cần chơi với thú nuôi 30 phút/ngày, huyết áp sẽ giảm và cơ thể sản sinh ra những chất giảm đau.

Thậm chí, ngay cả khi đối tác là một cái cây vẫn có thể phát huy tác dụng tuyệt vời của việc ôm. Theo các nhà nghiên cứu tại Hội nghị Lâm nghiệp thế giới năm 2010, ôm cây giúp nhân lên tế bào chống ung thư tự nhiên và giúp bạn sáng tạo hơn.

Nếu xung quanh bạn thật sự không có người, không có thú nuôi hay bất cứ cái cây nào, bạn vẫn có thể tự ôm lấy chính mình. Các nhà khoa học gợi ý, mỗi người nên ôm ít nhất 8 lần một ngày để thấy hạnh phúc và hài lòng hơn với cuộc sống.


Dưới góc nhìn văn hóa và tôn giáo

Xét về mặt số lượng ôm, hẳn là người phương Tây sẽ có lợi hơn người Á Đông chúng ta bởi văn hóa giao tiếp của họ là ôm, nói chính xác hơn là ôm hôn.

Tại Việt Nam, dù không phổ biến nhưng cùng với sự du nhập, giao thoa của nhiều nền văn hóa, chúng ta đã dần chấp nhận ôm hôn là một hành vi phi ngôn ngữ để biểu lộ tình cảm tích cực: tình bằng hữu, sự yêu thương, tính lịch sự, chào đón hay chia tay.

Chợt nhớ cách đây khá lâu, tôi đã được tham gia một khóa học giao tiếp, ở đó có dạy cách ôm sao cho đúng mực và lan tỏa năng lượng tích cực cho đối phương. Điều cần chuẩn bị trước tiên chính là tâm thái. Một tâm thái tự nhiên với trái tim trong sáng tràn đây yêu thương dành cho người đối diện như là với người thân của mình. Sau đó, mắt nhìn thẳng, nụ cười thân thiện, bước tới ôm bằng cách tay trái quàng qua vai đối phương, tay phải quàng qua eo vỗ hoặc xoa nhẹ ở lưng, tư thế này đủ gần cho tim chạm tim, dĩ nhiên là cách nhau một lồng ngực. Lưu ý, tư thế ôm bên trái dành cho người bình thường có trái tim nằm bên trái, với những ai tim nằm bên phải thì cần phải điều chỉnh một chút.

Hoặc bạn cũng có thể tập thiền ôm theo hướng dẫn của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Đầu tiên, chúng ta xá nhau và nhận diện sự có mặt của người kia. Nhắm mắt lại, thở một hơi thật sâu, quán tưởng mình và người thương của mình trong 300 năm sau. Sau đó ta có thể thực tập ba hơi thở có ý thức để đưa mình trở về với giây phút hiện tại, có mặt một trăm phần trăm. Thực tập hơi thở ý thức để đưa tuệ giác vô thường vào sự sống. “Thở vào, tôi biết rằng trong giờ phút này, sự sống thật quý giá. Thở ra, tôi trân quý phút giây này của sự sống.” Mỉm cười với người đứng trước mặt mình, cho người đó biết mình muốn được ôm người đó trong tay.


Trở lại câu chuyện của chị bạn tôi – người thích ôm. Tôi nghĩ còn một khả năng nữa khiến cho những người thuần Việt như chị lại thích ôm người khác để bày tỏ tình cảm Đó là lúc trước có thời gian học về sinh trắc vân tay, được biết con người học tập qua ba kiểu, một là quan sát, hai là nghe, ba là vận động. Người bình thường thì ba chỉ số này khá cân bằng, nghĩa là chúng ta có thể phối hợp cả 3 cách để học tập và giao tiếp Tuy nhiên, có những người một trong ba chỉ số sẽ vượt trội và nếu vượt trội ở chỉ số vận động thì thể hiện là người hướng ngoại, thích sờ mó, cầm nắm, va chạm một vật, một người nào đó để nhận biết. Chúng tôi thường gọi đùa đây là người thích… sờ. Họ không ác ý khi thích ôm, thích sờ, đơn giản là chỉ thông qua cách đó, họ mới nhận biết hết về đối phương và cảm thấy mình đối xử hết lòng với đối phương.

Nghĩa là nhìn dưới góc độ nào, cái ôm cũng rất quan trọng, cho dù chúng ta thích hay không thích ôm thì nó vẫn hiện diện và có giá trị cao đối với đời sống của con người chúng ta. Vậy nên, hãy nghĩ xem, từ lần cuối cùng bạn ôm một ai đó đến nay đã bao lâu rồi? Bạn có muốn theo đuổi con số 8 lần ôm mỗi ngày để bản thân khỏe hơn và trao đi yêu thương nhiều hơn không?

27 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


Cảm ơn bạn đã đọc bài viết. Nội dung mới sẽ được cập nhật vào thứ sáu hàng tuần. Bạn có thể chủ động quay lại xem hoặc để lại email, tôi sẽ gửi bạn thông tin khi có bài viết mới.

Tôi đã nhận được email của bạn. Cảm ơn bạn vì đã đồng ý kết nối.

bottom of page